0
Tin tức

Kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt (phần 2)

1. Thời vụ trồng ớt: 

- Vụ ớt sớm:

Gieo từ ngày 20/10 - 5/11, trồng 30/11 - 15/12, tuổi cây con là 40 - 45 ngày, thường trồng cho những vùng gò đồi, bãi cát nước rút sớm hoặc vùng đất cát.

- Vụ ớt chính: 

Gieo từ ngày 20/11 - 5/12, trồng 30/12 - 02/01, tuổi cây con là 40 ngày trồng ở các vùng đồng bằng, ven biển.

- Vụ ớt muộn:

Gieo từ 25/12 - 5/01, trồng 5/02 - 10/02, tuổi cây con là 45 ngày, trồng ở những vùng nước rút chậm, đất thấp, được áp dụng chủ yếu do thời tiết mưa hết sớm hay muộn mà áp dụng thời vụ cho từng năm. Thời vụ trồng muộn nhất từ 20/2, không được muộn quá.

 

XEM THÊM:  Bộ đôi FUGI NANO phòng trị thán thư thối trái ớt 

 

2. Mật độ trồng ớt: 

Tùy thuộc vào đất đai và giống mà có thể trồng mật độ trung bình 60 x 50cm với khoảng 32 nghìn cây/ha. Mỗi luống trồng 2 hàng, kiểu nanh sấu trên luống. 

Mỗi luống rộng từ 0,9 - 1,2m; cao 20 - 25cm, rãnh luống rộng 20 - 25cm.

Cách ươm cây giống đối với ớt: Đưa hạt ngâm nước 2 đêm đem bọc vãi 3 - 4 ngày, nơi có nhiệt độ cao (30oC như gần bếp lò, lò sưởi) khi hạt nảy mầm thì đem gieo vãi trên luống, phủ một lớp đất bột mỏng, tiếp tục phủ một lớp tro trấu hay rơm rạ  bằm nhỏ phòng trời mưa to trôi hạt.

Tưới nước giữ ẩm. Sau khi gieo 8 - 10 ngày cây mọc, sau 30 ngày tuổi có thể nhổ đi trồng được.

Lượng hạt gieo khoảng 1 ha trồng cần 1kg hạt giống trong đó kể cả giống dự phòng.

3. Làm đất trồng ớt

Cây ớt không kén đất nhưng để ớt sinh trưởng thuận lợi thì cần chọn đất thịt nhẹ, cát pha, cát nội đồng, pH trung tính (6 - 7).

Ớt trồng luân canh tốt với các cây hoa màu, đậu, đổ đất mạ chiêm xuân, đất trồng ớt phải cày bừa sạch cỏ, bón vôi khử chua, diệt mầm mống sâu bệnh.

Dở hốc sâu 10 - 15cm để bón phân hữu cơ (nơi đất thấp ẩm có thể trồng 3 - 5cm).

4. Phân bón cho cây ớt

Lượng phân bón cho 1ha ớt

Lượng phân bón cho 1 ha ớt cần:
+ Phân chuồng: 25 - 30 tấn
+ Phân xanh: 10 - 20 tấn
+ Urê: 150 - 200 kg
+ Lân: 70 - 80 kg
+ Kali:  100 - 120 kg
Theo tỷ lệ 2:1:1 hay 2:0,8:1 
+ Vôi bột: 400 - 500 kg vôi bột. Vôi được bón lúc cày ải trước trồng 10 - 15 ngày.

Cách bón phân cho ớt:

- Bón lót: Bón toàn bộ phân lân + phân chuồng vào hốc + 1/4 lượng đạm + 1/4 K2O trộn đều trong hốc.

- Bón thúc: 3 lần:
+ Lần 1: Sau trồng 15 - 20 ngày: 1/4N + 1/4K2O, nếu có phân xanh thì bón phủ (10 tấn/ha).
+ Lần 2: Bắt đầu ra hoa 1/4N + 1/4K2O, che tủ phân xanh còn lại lên luống và lấp đất.
+ Lần 3: Sau khi quả lứa 1 chín: 1/4N + 1/4K2O còn lại. Ngoài ra còn có thể thêm phân hữu cơ dung dịch lúc ớt ra quả.

Chú ý: Nếu phân chuồng hoai mục bón hiệu quả hơn thì lót 1/2 và 1/2 còn lại thúc vào thời kỳ bắt đầu ra hoa (bón vào hai hàng ớt và lấp đất, kết hợp phân xanh giữ ẩm chống cỏ dại, có thể dành toàn bộ N + K để thúc mà không bón lót vì sợ xót cây khi trồng).

Cách xuống giống ớt

Trộn đều phân và lấp đất mỏng sau đó đặt cây theo chiều thẳng đứng tự nhiên cho rễ phân bố đều và phủ đất ấn chặt gốc, độ sâu 2 - 3cm lấp đất bằng phần rễ cây mọc trên vườn ươm ( bằng phần vừa nhổ lên gốc).

Sau đó khỏa và lấp đất vào hốc, để gốc cao hơn mặt luống (phòng ứ đọng nước lúc mưa).

Nếu trồng ớt vụ muộn thì hốc thấp hơn mặt luống một ít, đễ giữ nước có độ ẩm, giúp cây phát triển tốt.

 

XEM THÊM:  Bộ đôi FUGI NANO phòng trị thán thư thối trái ớt 

 

 

5. Cách chăm sóc cây ớt theo từng thời kỳ:

a. Từ trồng đến hồi xanh:

- Tưới nước: Trồng tưới nước đủ ẩm cho cây chống hồi xanh, sau đó giữ ẩm từ 70 - 80%

- Dặm cây: trồng 5 - 7 ngày thì kiểm tra và dặm cây kịp thời bảo đảm mật độ. Xới xáo kết hợp thúc lần 1 và vun gốc nhẹ sau trồng 15 - 20 ngày.

Chú ý: thúc cách gốc 5cm, nếu tưới phải pha loãng và thoát nước tốt trên ruộng.

b. Thời kỳ hồi xanh đến ra hoa:

Thời gian sau trồng 40 - 45 ngày, cây sinh trưởng dinh dưỡng mạnh, yêu cầu ẩm độ 70 - 75% do bộ rễ phát triển sâu.

+ Thúc lần 2 kịp thời kết hợp với vun cao lần cuối ( sau trồng 30 ngày).

+ Tủ gốc, giữ ẩm và chú ý không được để đọng nước lâu.

c. Thời kỳ ra hoa đến thu quả đợt cuối cùng:

+ Bắt đầu ra hoa đến thu quả đợt 1: (50 - 95 ngày sau trồng) cây ra hoa, ra quả quyết định năng suất sản lượng. Tiếp tục giữ ẩm 80 - 85%, bón thúc lần 3.

+ Thu quả đợt 1 đến kết thúc chu kỳ sinh trưởng (thu cuối cùng). Cây luôn luôn vừa ra hoa vừa ra quả nên giữ độ ẩm 70 - 85%. sau mỗi lứa thu hoạch tùy điều kiện sinh trưởng trên ruộng mà thúc thêm phân.

Chú ý: Đối với ớt, không được tưới tràn trên mặt luống để kéo dài thời gian thu quả. Nếu tưới rãnh chỉ để nước ngấm vào rảnh rồi tháo ra ngay.

6. Cách để giống và thu hoạch ớt:

Chọn giống và để giống:

Chọn giống theo nguyên tắc 4 tốt (ruộng tốt, đám tốt, cây tốt, quả tốt), trong thực tế thường chọn cây tốt và quả tốt.

Lấy cành cấp 3,4 có quả căng đều và đẹp mang đặc tính của giống.

Quả chín hoàn toàn, thu cả cuống đem về để vào nơi mát 2 - 3 ngày cho ớt tiếp tục chín sinh lý, sau đó tách hạt giống bằng dao nhỏ rạch dọc quả và cắt 1/3 quả phía ngọn bỏ riêng (đầu quả).

Phần quả còn lại dùng que tách lấy hạt ngâm vào dụng cụ sành sứ hay chậu men, nhựa, thủy tinh tránh không được ngâm trong đồ kim loại.

Để 20 - 24h hạt ớt lên men phân giải chất keo xung quanh hạt.

Vớt hạt ra đãi sạch rồi phơi vào nông nia, tránh phơi trực tiếp trên sân xi măng, mái tôn hoặc phơi giữa trưa hạt mất sức nảy mầm, hạt khô để nguội đem bảo quản.

Thu hoạch và sơ chế ớt:

Thu hoạch ớt: 

Ớt chín trên ruộng theo lứa nên thu hoạch xanh để bán thì ớt có nhiều quả trên cây. Nếu thu chín thì thu theo từng lứa quả, thu cả cuống đem về phơi (70% số cây trên ruộng có màu quả đỏ) thì thu hoạch được. Những quả chín chưa hoàn toàn (mới chuyển màu) cũng thu hết và mang về để riêng 2 - 3 ngày sau nó sẻ tiếp tục chín.

Phân loại ớt:

Sau thu hoạch đem về phân loại, đem phơi. Ngày mưa hay đất ướt thì không thu hoạch.

Ủ quả ớt:

Khi thu hoạch về nên ủ thêm 2 -3 ngày đêm cho ớt chín đều màu đẹp rồi đem phơi.

Phơi ớt:

Tránh phơi trên mái tôn, sàn xi măng sẽ làm rám quả mất giá trị thương phẩm. Có thể phơi trên bải cỏ, nong nia 2- 3 nắng , quả héo rồi đem phơi trên nền xi măng tiếp cho khô. Khi bóp quả nát vụn là quả khô ( 12 - 13% nước) thì đạt yêu cầu xuất khẩu hay đem bảo quản. 

Chú ý: Nếu khi phơi 1 - 2 nắng bị mưa ướt quả thì cứ cho mưa thấm đều quả sau đó đem vào rải mỏng để hong khô và tiếp tục phơi khi có nắng cho đến lúc đạt tiêu chuẩn bảo quản.

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO NGHỀ KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC ỚT CỦA SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỈNH QUẢNG TRỊ

Đơn vị biên tập: Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị - Năm 2013

XEM THÊM:

>> CHẾ PHẨM TRỪ SÂU SINH HỌC NHŨ NEEM

>> BỘ CHẾ PHẨM FUGI PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH AN TOÀN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP SẠCH

>> BỘ PHÂN BÓN CAO CẤP XỬ LÝ RA HOA ĐỒNG LOẠT

>> Báo cáo KẾT QUẢ KHẢO SÁT HIỆU LỰC của chế phẩm nano đồng (nano copper) FUGI NANO-Cu đối với nấm bệnh Phytophthora sp.

>> PHÂN BÓN AMINO ACID LÀ GÌ? TÁC DỤNG CỦA AMINO ACID ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG